25 THÁNG NĂM 2020
Các NHTM đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trước khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP được ban hành

Tính riêng tháng 4/2020, các NHTM đã phát hành tổng cộng hơn 14,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu, gấp 15,27 lần so với cả Quý 1/2020.

Ngày 12/5/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 và lũy kế 4 tháng đầu năm 2020. Theo đó, trong tháng 4/2020 thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 131 đợt phát hành thành công của 29 doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành là 30,12 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn phát hành bình quân là 4,24 năm. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 70,1 nghìn tỷ đồng, với sự tham gia của 85 doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Sau giai đoạn trầm lắng của Quý 1/2020, các NHTM đã quay trở lại và đẩy mạnh chào bán trái phiếu ra thị trường kể từ đầu tháng 4/2020. Tính riêng trong tháng 4/2020, các NHTM (gồm TPBank, HDBank, MSB, BIDV, VPBank, VIB và SHB) đã ồ ạt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành là 14.358,8 tỷ đồng, gấp 15,27 lần so với cả Quý 1/2020. Đồng thời, nhóm NHTM cũng vươn lên dẫn đầu thị trường với tỷ trọng phát hành là 47,67%; vượt qua nhóm doanh nghiệp bất động sản xếp thứ 2 với tỷ trọng là 32,04%.

BIDV là ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất trong nhóm NHTM. Chỉ trong vòng 9 ngày cuối tháng 4/2020 (từ ngày 20/4 – 28/4), BIDV đã phát hành thành công 5.904 tỷ đồng trái phiếu, theo 4 kỳ hạn khác nhau là 6Y, 7Y, 8Y và 10Y với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ lãi suất dao động từ 0,6% đến 1,25%/năm tùy từng kỳ hạn. Toàn bộ trái phiếu phát hành trong tháng 4/2020 của BIDV đều là trái phiếu tăng vốn cấp 2 (Tier 2 Bond) nhưng chiếm tới 35,7% lượng phát hành (2.108 tỷ đồng) được mua bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước (64,3% khối lượng còn lại được bán cho tổ chức trong nước).

Khác với BIDV, các NHTMCP tư nhân còn lại chủ yếu phát hành riêng lẻ cho trái phiếu thường (Senior Bond) với tổng khối lượng chào bán là 8.200 tỷ đồng theo các kỳ hạn ngắn là 2 năm và 3 năm, đều là lãi suất cố định (từ 5,7% - 6,7%/năm). Trong số các NHTMCP tư nhân, duy nhất có TPBank phát hành thêm kỳ hạn dài (7 năm) với khối lượng là 254,8 tỷ đồng, nhằm bổ sung và tăng cường cho vốn cấp 2. Trái phiếu tăng vốn của TPBank có lãi suất áp dụng cho kỳ thanh toán đầu tiên là 9,5%/năm và các kỳ thanh toán tiếp theo lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,6%/năm.

Việc các NHTM tăng cường đẩy nhanh và mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 4/2020 là nhằm mục đích:
- Tăng cường năng lực vốn tự có thông qua vốn cấp 2 nhằm tuân thủ quy định Thông tư 41/2016;
- Bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn để bảo đảm tuân thủ tỷ lệ an toàn hoạt động của ngân hàng và chuẩn bị nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng trong các quý cuối năm trong trường hợp nền kinh tế phục hồi trở lại sau dịch bênh COVID-19
- tránh các tác động tiêu cực và hạn chế khả năng phát hành trái phiếu riêng lẻ khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua vào cuối tháng 5/2020.

Theo nhận định, xu hướng phát hành trái phiếu riêng lẻ của các NHTM sẽ còn tăng mạnh trong tháng 5/2020 trước khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP được Chính phủ thông qua và ban hành. Sau đó, các NHTM (đặc biệt là NHTM Nhà nước như BIDV, AgriBank và VietinBank) sẽ chuyển sang đẩy mạnh phát hành trái phiếu qua kênh công chúng trong nửa cuối năm 2020 nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/NHNN. Với các NHTMCP khác, do áp lực phải tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (giảm từ 40% xuống 37% kể từ ngày 01/10/2020) theo Thông tư số 22/2019/NHNN nên dự kiến các ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là các trái phiếu có kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Ngày 12/5/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện cắt giảm các mức lãi suất điều hành (lần thứ 2 trong vòng 3 tháng) có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020. Như vậy, dự báo trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu trên thị trường của các tổ chức tín dụng sẽ có xu hướng giảm nhẹ.