»

Thời gian giao dịch phục vụ khách hàng tại các Chi nhánh, PGD của VietinBank - Từ thứ 2 tới thứ 6 (trừ ngày lễ, tết).

Tin tức sự kiện Ngày 17/8/2018 02:35

Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ tham gia Phiên họp toàn thể về Ngoại giao phục vụ phát triển - Hội nghị ngoại giao 30

Ngày 15/8/2018, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ đã tham dự Phiên họp toàn thể về “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

>> Tổng Giám đốc Lê Đức Thọ dự Tọa đàm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018
Toàn cảnh Hội nghị

Đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển từ Hội nghị Ngoại giao 29 (2016) tới nay và xác định các nhiệm vụ của Ngành Ngoại giao nhằm hỗ trợ các yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc triển khai “ngoại giao kiến tạo” đạt nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng ghi nhận đóng góp quan trọng của Ngành Ngoại giao trong việc giữ gìn và củng cố môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu hai năm qua.

Theo Thủ tướng, ngoại giao đã mở rộng về lượng, gia tăng về chất các khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, mở ra cục diện đối ngoại mới cho đất nước, củng cố và mở rộng không gian chính trị và môi trường kinh tế thuận lợi phục vụ phát triển. Trong khi đó, đối ngoại đa phương đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, trên các diễn đàn đa phương; thể hiện tinh thần đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Công tác ngoại giao kinh tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, thật sự có bước chuyển quyết liệt góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế và lấy ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện. Cụ thể, ngoại giao kinh tế cần làm tốt bốn nhiệm vụ lớn là: thu thập thông tin một cách chính xác, kịp thời, liên tục, đặc biệt là dự báo kinh tế; tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng hành, hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là trong khâu tháo gỡ vướng mắc và cuối cùng là đôn đốc triển khai các cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác quốc tế.

Trong đó, ngoại giao kinh tế cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có thành công hay không phần lớn là nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và thành công của doanh nghiệp trong hội nhập là thước đo thành công của hội nhập kinh tế quốc tế. Một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngoại giao kinh tế là tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút FDI, ODA, du lịch, kiều hối, xuất khẩu lao động… để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số, công nghệ cao, thông minh trong cách mạng 4.0.

Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, “kịp thời trong tham mưu, linh hoạt trong hành động, đồng bộ trong triển khai” sẽ là phương châm chỉ đạo xuyên suốt công tác của Bộ Ngoại giao, nhằm chuyển hóa mạnh mẽ lợi ích chính trị đối ngoại thành lợi ích kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực quốc tế, nâng tầm ngoại giao đa phương và tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập sâu rộng. Trong quá trình này, người dân, địa phương và doanh nghiệp sẽ luôn đứng ở vị trí trung tâm, là đối tượng phục vụ chính của Ngành Ngoại giao.

Nguyễn Thị Ngọc Anh (theo Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao)

null - VietinBank null - VietinBank