»

Thời gian giao dịch phục vụ khách hàng tại các Chi nhánh, PGD của VietinBank - Từ thứ 2 tới thứ 6 (trừ ngày lễ, tết).

Tin tức sự kiện Ngày 24/12/2017 07:00

Khi các Fintech quốc tế đổ bộ…

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank

Xu hướng các Fintech quốc tế đổ bộ vào thị trường tài chính Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về xu thế phát triển của Fintech.

>> VietinBank sẵn sàng hợp tác với các Fintech >> Fintech: Thay đổi chuỗi giá trị dịch vụ Ngành Tài chính - Ngân hàng

Ông nhận định như thế nào về sức mạnh của làn sóng Fintech?

Việc các công ty công nghệ dấn thân vào thị trường cung cấp dịch vụ tài chính, vốn thuần túy là của riêng ngân hàng, để cung cấp sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ là xu thế của thị trường hiện tại.

Tại Việt Nam đã có khoảng 50 công ty Fintech cung cấp các sản phẩm công nghệ phục vụ các hoạt động thanh toán, cho vay, blockchain, kêu gọi vốn cộng đồng - crowdfunding, tài chính cá nhân và các công cụ phân tích, quản lý dữ liệu...

Trong đó, hoạt động thanh toán vẫn là chủ yếu khi có gần 50% các công ty Fintech cung cấp sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực này.

Việc các công ty Fintech nước ngoài tiến vào Việt Nam liệu có gây rủi ro cho thị trường?

Nếu WeChat trước đây chuyên về chatting (trò chuyện), thì hiện giờ đã cung cấp tất cả các dịch vụ thanh toán tại Trung Quốc, thậm chí còn vượt ra ngoài khu vực; hay Alibaba lấn sân sang thanh toán trực tuyến với Ant Financial cho vay dựa trên lịch sử mua sắm của người dùng. Khi các công ty này tiến vào Việt Nam, doanh nghiệp nội có khả năng ngăn chặn như thế nào?

Thực tế, các công ty Fintech không hề thiếu vốn đầu tư, bởi một khi ý tưởng đủ hấp dẫn, lượng vốn họ kêu gọi được là rất lớn. Chẳng hạn với Uber, họ kêu gọi được số vốn đầu tư dồi dào và sẵn sàng chịu lỗ trong những năm đầu hoạt động để đạt mục tiêu thâu tóm thị trường.

Hãy tưởng tượng:WeChat hoặc Alibaba - thậm chí cả hai đơn vị này rót vài chục triệu USD vào thị trường tài chính Việt Nam, chấp nhận bù lỗ để đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hoặc sẵn sàng không thu phí tất cả các dịch vụ về thanh toán trong 2 - 3 năm đầu thâm nhập… Khi đó, hoạt động thanh toán tại Việt Nam sẽ ra sao? Số tiền 10 triệu hay 100 triệu USD đối với WeChat hay Alibaba không phải vấn đề lớn để các công ty này thâu tóm thị phần ở Việt Nam.

Theo tôi để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện hai việc. Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tạo hành lang pháp lý vững chắc. Thứ hai, Việt Nam cần có công ty Fintech đủ mạnh, tầm cỡ quốc gia để tạo thành đối trọng.

Ông có thể chia sẻ những nhận định của mình về sự hợp tác của các công ty Fintech với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và tại VietinBank nói riêng?

Trong vòng 1 - 2 năm gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã coi trọng hợp tác với các công ty Fintech. Thậm chí các ngân hàng cũng đã và đang thành lập các Fintech lab, với mục đích tạo không gian để ngân hàng và các công ty công nghệ trao đổi những ý tưởng, định hướng, mong muốn của mình… từ đó tìm ra giải pháp thử nghiệm trước khi đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện tại, VietinBank đang lập một Fintech lab - không gian trao đổi giữa VietinBank và các công ty Fintech. Đây không đơn thuần là một không gian vật lý mà là nơi thu hút các công ty Fintech gặp gỡ, trao đổi ý tưởng công nghệ và kinh doanh. Nếu xuất hiện ý tưởng phù hợp, VietinBank sẽ bố trí nhân sự làm việc chung với Fintech nhằm tinh chỉnh ý tưởng, đưa ra thử nghiệm để có thể kiểm tra được kết quả, từ đó đưa ra thị trường sản phẩm mới.

Hiện VietinBank đang phối hợp với 7 công ty công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính ngân hàng để phục vụ khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng trong 3 - 6 tháng tới sẽ ra mắt thị trường ít nhất 4 - 5 sản phẩm là sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng.

Không chỉ phối hợp với công ty công nghệ làm việc trong lĩnh vực tài chính, VietinBank còn mong muốn làm việc với các công ty công nghệ trong các lĩnh vực khác. Mục tiêu của VietinBank là cung cấp những gói sản phẩm bao gồm sản phẩm tài chính đính kèm sản phẩm công nghệ cho những khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau bởi doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đều cần công nghệ.

VietinBank đang lập một Fintech lab - không gian trao đổi giữa VietinBank và các công ty Fintech

Nhuệ Mẫn (Báo Đầu tư Chứng khoán)

null - VietinBank
null - VietinBank null - VietinBank