»

Thời gian giao dịch phục vụ khách hàng tại các Chi nhánh, PGD của VietinBank - Từ thứ 2 tới thứ 6 (trừ ngày lễ, tết).

Tin tức sự kiện Ngày 04/9/2017 07:00

Thách thức trong phát triển cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, cả nước có 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) và 25 doanh nghiệp (DN) được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công nhận là DN ứng dụng CNC. Tiềm năng ứng dụng CNC vào nông nghiệp tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để phát triển cho vay nông nghiệp CNC còn nhiều thách thức.

>> VietinBank tài trợ các dự án chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao >> VietinBank khơi thông dòng vốn Nông nghiệp Việt Nam

Thách thức về kỹ thuật

Hầu hết DN, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp. Bởi vậy, DN chưa tạo được nguồn sản phẩm hàng hóa lớn do chưa trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như: Vốn, thị trường, kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ… để kịp thời đón nhận các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC. Thêm nữa là ứng dụng CNC vào nông nghiệp đòi hỏi cần có lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các DN đều chưa xây dựng được đội ngũ này.

Nhìn chung việc phát triển nông nghiệp CNC còn rất mới mẻ nên quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC trong sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có mô hình mẫu để nghiên cứu, học tập rút kinh nghiệm và áp dụng phù hợp với thực tế tại địa bàn.

Thách thức về đất đai và lực lượng sản xuất

Trên thực tế, một số nhà đầu tư tâm huyết có tiềm lực tài chính, nhân sự, công nghệ muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC thì lại không có quỹ đất sạch để bố trí triển khai. Hiện nay, diện tích đất dành cho nông nghiệp thường nhỏ lẻ và phân tán nên việc liên hệ với chủ đất và các địa phương gặp không ít khó khăn. Vì vậy việc mở rộng quy mô diện tích để triển khai áp dụng nông nghiệp CNC theo hướng hiện đại hóa, cơ giới hóa cũng còn nhiều trở ngại.

Thách thức từ việc nối dài chuỗi giá trị

Một số sàn giao dịch nông sản tại Việt Nam đã đi vào hoạt động, nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, do điều kiện ngân sách còn hạn chế nên việc đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, các chính sách ưu đãi đột phá về thủ tục hành chính, chi phí thuế để thu hút các nhà đầu tư cũng chưa thực sự hấp dẫn. Hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá hàng nông, lâm, thủy sản cũng còn chưa cao.

Thách thức về dòng vốn, chi phí đầu tư và phân phối sản phẩm

Đặc điểm của nông nghiệp CNC là cần chi phí đầu tư lớn khi áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới. Nhưng bù lại, hiệu quả đầu tư sẽ gia tăng bởi: (i) Tiết kiệm được chi phí vận hành, đặc biệt nhân công lao động trực tiếp, (ii) giảm tỷ lệ hao hụt và rủi ro mất mát về số lượng; (iii) giảm thiểu rủi ro sai sót dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm; (iv) vòng quay sản xuất nhanh, tăng số vụ/năm; (v) có thể ứng dụng trên diện tích nuôi trồng lớn.

Tuy nhiên hiện nay, cả ngân hàng lẫn DN vẫn dè dặt đầu tư là bởi nuôi trồng chỉ là khởi điểm trong chuỗi giá trị của nông sản. Trong khi khâu sản xuất thành phẩm cũng như khâu phân phối chưa được xây dựng và kết nối một cách thống nhất. Do đó, đầu ra và đảm bảo khả năng thu hồi vốn là một thách thức đối với các hộ nông dân, DN vay vốn ngân hàng để ứng dụng CNC vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các tài sản đảm bảo khoản vay của nông dân/hộ sản xuất chủ yếu là ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến ngân hàng gặp nhiều rắc rối. Các món vay trong lĩnh vực nông nghiệp thường là nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ cao hơn. Trong thực tế, nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hiện nay cũng còn bất cập. Do vậy, các ngân hàng cần phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ cho người dân hiểu biết hơn về kỹ năng tay nghề, kiến thức liên quan tài chính ngân hàng để sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn.

Để khai thác hết tiềm năng từ cho vay nông nghiệp CNC, VietinBank đã nghiên cứu các đặc điểm cụ thể của nông nghiệp CNC, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp để đẩy nhanh khả năng tiếp cận vốn của các cá nhân, DN. VietinBank có kế hoạch phối hợp với các sàn giao dịch nông sản để cung cấp các dịch vụ tài chính như bảo hiểm hàng hóa, thanh toán đặt cọc, quản lý ký quỹ, các sản phẩm phái sinh (nếu có)…

VietinBank tiên phong trong việc hợp tác phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Nguyễn Thu Hằng - Trưởng Phòng KHDN vừa và nhỏ VietinBank

null - VietinBank null - VietinBank