NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN 2004
Ngân hàng Công thương Việt Nam được thành lập từ năm 1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất của Việt Nam, và được xếp hạng là một trong 23 doanh nghiệp đặc biệt của Việt Nam.
Hệ thống mạng lưới gồm 2 Sở Giao dịch lớn (Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), 131 chi nhánh, 150 phòng giao dịch và 420 quỹ tiết kiệm, Trung tâm Đào tạo (Tại Hà Nội) và Trung tâm Công nghệ Thông tin (Tại Hà Nội).
Sở hữu các công ty con: Công ty Cho thuê Tài chính NHCT, Công ty TNHH Chứng khoán NHCT và Công ty Quản lý Tài sản NHCT.
Đồng sáng lập và là cổ đông chính trong Indovina Bank, Công ty Cho thuê Tài chính Quốc tế Việt Nam và Công ty Liên doanh Bảo hiểm Châu á, Công ty Chuyển mạch Tài chính quốc gia Việt Nam.
Có quan hệ ngân hàng đại lý với 735 ngân hàng trên khắp toàn cầu và có thể đi bằng điện Swift có gắn mã khoá tới 11.915 ngân hàng và chi nhánh toàn cầu.
Dịch vụ tài chính: Tiền gửi, thanh toán trong và ngoài nước, cho vay, bảo lãnh và tái bảo lãnh, tài trợ thương mại, chuyển tiền, phát hành và thanh toán thẻ, các loại thẻ tín dụng quốc tế, thẻ nội địa, séc du lịch, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm và cho thuê tài chính v.v.
Là thành viên chính thức của Hiệp hội các Ngân hàng Châu á, Hiệp hội các ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Thanh toán Viễn thông Liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, Hiệp hội thẻ Visa, Master, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Các Tổ chức Tài chính cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC.
CÁC CHỈ SỐ TÀI CHÍNH CHỦ YẾU
2004 | 2003 | |
Tổng tài sản (triệu VND) | 90,734,644 | 80,887,100 |
Cho vay (triệu VND) | 64,159,522 | 51,778,523 |
Vốn tự có (triệu VND) | 4,908,773 | 4,154,083 |
Vốn huy động (triệu VND) | 81,596,865 | 71,146,192 |
Thu nhập ròng (triệu VND) | 206,869 | 205,186 |
Thu nhập ròng/Trung bình Tổng tài sản (%) | 0.24 | 0.28 |
Thu nhập ròng/Trung bình vốn tự có (%) | 4.57 | 5.60 |
Vốn tự có/Tài sản có rủi ro (%) | 6.30 | 6.08 |
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG CHỦ TỊCH HĐQT NHCTVN
Thưa các quý vị,
Năm 2004, Chính phủ đã chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm các Tổng công ty lớn và các Ngân hàng thương mại nhà nước); và tích cực cho mục tiêu đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2005. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đã nỗ lực đẩy mạnh cơ cấu lại (lành mạnh hoá tài chính, tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng … ) đảm bảo sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh như trên, năm 2004, Ngân hàng Công thương Việt Nam (NHCTVN) đã nỗ lực phấn đấu và dành được những kết quả đáng khích lệ. Cho vay và đầu tư tăng 17% so với năm 2003; Riêng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 23,9%, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn được quản lý trong giới hạn là 40% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; Nguồn vốn huy động tăng 14,7% so với 31/12/2003, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng thanh toán; Lợi nhuận hạch toán vượt 12% kế hoạch liên Bộ giao, trích lập dự phòng rủi ro vượt 26,8% kế hoạch năm. Nhiều chỉ tiêu chất lượng cũng đạt vượt mức kế hoạch: tỷ lệ nợ quá hạn được kiểm soát ở mức 1,96% tổng dư nợ (so với kế hoạch đề ra là 3%), tỷ trọng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đạt 36,5% (kế hoạch năm đề ra là 38%), tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 52%.
Trong năm 2004, được sự hỗ trợ của Chính Phủ, các Bộ, Ban, Ngành và NHNN, NHCTVN đã xử lý được 94% nợ tồn đọng từ trước năm 2000; được cấp thêm 400 tỷ vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ; đến nay tỷ lệ an toàn vốn của NHCTVN đã đạt 5,4%. Đặc biệt cũng trong năm 2004, NHCTVN đã hoàn thành giai đoạn I dự án Hiện đại hoá ngân hàng và đang tổ chức triển khai giai đoạn II tới các chi nhánh trong hệ thống; Trong năm, NHCTVN cũng đã tiếp tục mở rộng các hoạt động dịch vụ và tiện ích ngân hàng trên sản phẩm thẻ ATM, mở rộng mạng lưới ATM, chính thức phát hành và thanh toán thẻ tín dụng quốc tế VISA, MASTER Card.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Ngân hàng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cần phải được tiếp tục quan tâm giải quyết, đó là: Chất lượng tín dụng chưa cao: nợ quá hạn vẫn phát sinh trong năm, một số khoản nợ tuy là trong hạn nhưng thực chất đã phải gia hạn,...; nguồn huy động tăng trưởng chậm, các hình thức huy động chưa đa dạng và linh hoạt trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt; Hệ thống kiểm tra kiểm soát còn yếu: chưa thiết lập được hệ thống cảnh báo trước mà còn nặng về kiểm tra vụ việc, năng lực trình độ cán bộ còn nhiều bất cập: chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá, vẫn còn thiếu cán bộ giỏi, có kinh nghiệm ở các lĩnh vực nghiệp vụ chính.
Dự báo, năm 2005 và những năm tiếp theo, môi trường kinh tế trong nước và quốc tế vẫn sẽ có nhiều thay đổi và thách thức. Đặc biệt từ năm 2005 trở đi Việt Nam phải thực hiện nhiều cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính-ngân hàng. Trong điều kiện đó, để tiếp tục đưa NHCTVN phát triển bền vững, hiệu quả đòi hỏi toàn bộ hệ thống NHCTVN phải có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2005: tăng trưởng vốn huy động 18%, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 16%, cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng tối đa 40% trong tổng dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 4% (theo quy định mới), lợi nhuận và trích lập dự phòng rủi ro cao hơn năm 2004, tiếp tục nâng cao tỷ lệ thu dịch vụ ngân hàng trong tổng thu nhập đi đôi với việc mở rộng có hiệu quả các sản phẩm dịch vụ tiện ích hiện đại của NHCTVN.
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2005 trên đây của NHCTVN tuy không cao hơn nhiều so với năm 2004 nhưng thực sự là thách thức đối với NHCTVN khi điều kiện cạnh tranh đang trở nên quyết liệt hơn nhiều. Để phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2005 và mục tiêu của chiến lược phát triển dài hạn đến 2010, toàn hệ thống cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau: (i) Hoàn thành và triển khai chiến lược kinh doanh của NHCTVN đến năm 2010; (ii) Có các giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo chủ động về nguồn vốn trong mọi thời điểm và hoàn cảnh để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế; (iii) Nâng cao chất lượng tín dụng. Đảm bảo nguyên tắc thương mại thị trường trong hoạt động tín dụng; (iv) Giải quyết dứt điểm nợ tồn đọng trong năm 2005; (v) Đẩy mạnh Dự án hiện đại hoá công nghệ ngân hàng; (vi)Thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức của hệ thống kiểm tra kiểm toán nội bộ.
Với sự nỗ lực của mọi cá nhân, mọi tập thể của toàn hệ thống NHCTVN, sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước, sự hợp tác của các quý bạn hàng, chúng tôi tin tưởng rằng, NHCTVN sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2005 và những năm tiếp theo.
Nhân dịp này, thay mặt Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên NHCTVN, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành hữu quan, các đối tác trong và ngoài nước; đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ có hiệu quả của khách hàng đã góp phần vào sự thành công của NHCTVN trong những năm qua.
Chúng tôi rất mong và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và hợp tác có hiệu quả hơn nữa của các Quý vị.
Trân trọng !
TS. Nguyễn Văn Bính
Chủ tịch Hội đồng quản trị
TỔNG QUAN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2004
Những đánh giá vĩ mô về tổng cầu
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì GDP tăng trưởng cao 7,69% trong năm 2004, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 10,2%, dịch vụ 7,47% và nông lâm nghiệp và thuỷ sản 3,5%, giúp nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 490 USD năm 2003 lên 553 USD năm 2004. GDP bình quân đầu người tính theo tỷ giá ngang giá sức mua (PPP) đạt 2.580 USD, tăng 12,2% so với năm 2003. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong các năm qua, tỷ lệ thất nghiệp độ tuối lao động ở thành thị giảm từ 6,4% năm 2000 xuống còn 5,6% trong năm 2004.
Đối tác chủ yếu và cơ cấu địa lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2004 (triệu USD) | |||
Đối tác đầu tư | Vốn FDI | Khu vực nhận FDI | Vốn FDI |
1. Singapore | 7.522,9 | 1. Tp. Hồ Chí Minh | 11.753,0 |
2. Đài Loan | 5.743,0 | 2. Hà Nộ | 8.041,7 |
3. Hàn Quốc | 4.448,9 | 3. Đồng Nai | 5.728,5 |
4. Nhật Bản | 4.254,5 | 4. Bà Rịa Vũng Tàu | 3.502,5 |
5. Quần đảo Virginia | 3.598,4 | 5. Bình Dương | 3.159,2 |
6. Hồng Kông | 2.831,5 | 6. Hải Phòng | 1.762,0 |
7. Pháp | 2.422,4 | 7. Quảng Ngãi | 1.345,8 |
| 8. Quảng Ninh | 1.080,6 | |
7 đối tác đã đầu tư lớn nhất có vốn đăng ký trên 2 tỷ USD
| 8 địa bàn đầu tư chủ yếu có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD | ||
Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam , Kinh tế Việt Nam & Thế giới 2003-2004 (Thời báo Kinh tế Việt Nam ) |
Tổng vốn đầu tư năm 2004 đạt 258.700 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2003, trong đó vốn đầu tư phát triển của khu vực Nhà nước là 154.000 tỷ đồng, chiếm 60%. Đầu tư của khu vực tư nhân tăng thêm 11.375 tỷ đồng trong năm 2004, bằng 20%. Đầu tư nước ngoài cũng tăng 14%, từ 38.650 tỷ đồng năm 2003 lên 44.200 tỷ đồng năm 2004. Năm 2004, Việt Nam thu hút được thêm 2,08 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới vào 679 dự án đầu tư được cấp phép, cùng với trên 2 tỷ USD vốn bổ sung cho các dự án đang hoạt động. Cơ cấu các dự án FDI tăng thêm vẫn chủ yếu nghiêng về các tỉnh, thành phố phía Nam , nơi chiếm 70,5% về số dự án và 64,2% số vốn.
Thu chi ngân sách năm 2004 được đánh giá là đạt hiệu quả và nằm trong dự toán. Tổng thu ngân sách năm 2004 tăng 14,5% so với kế hoạch năm. Tổng chi NSNN năm 2004 cũng vượt 12% so với kế hoạch năm, trong đó chi cho đầu tư phát triển vượt 13,6%, chi lương hưu và bảo hiểm xã hội vượt 3,4%, chi giáo dục vượt 2,5%. Bội chi ngân sách vẫn nằm ở dưới mức 5% mà Quốc hội cho phép.
Xuất khẩu năm 2004 là điểm chói sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu năm 2004 tăng vọt lên 26 tỷ USD (20,2 tỷ USD năm 2003). Xuất khẩu tăng ở cả hai khu vực; khu vực kinh tế nhà nước đạt 11,74 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, tăng 40,4% so với năm 2003, chiếm tỷ trọng 54,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2004. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2004, trong đó đáng kể nhất là dầu thô, tăng 1.184 triệu USD, tương đương 48,3%. Năm 2004, ngành dầu khí Việt Nam sản xuất và khai thác được khoảng 19 triệu tấn dầu và hơn 6 tỷ mét khối khí thiên nhiên, đạt doanh thu trên 6 tỷ USD. Như vậy so với giá trị xăng dầu đã qua chế biến nhập khẩu là 3,571 tỷ USD, Việt Nam là nước có xuất khẩu thuần dương về dầu mỏ (2,095 tỷ USD).
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Châu á, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch. Trong năm 2004, xuất khẩu vào Trung Quốc tăng cao nhất, ở mức 66% so với năm 2003. Tiếp đến là các nước UAE (42%), khu vực ASEAN (26%), Hàn Quốc (23%), Nhật Bản (18,6%).
Thị trường dịch vụ tài chính và chính sách tiền tệ năm 2004
Thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2004 chịu tác động mạnh mẽ của biến động thị trường ngoại hối thế giới và yếu tố tâm lý của người gửi tiền. Đồng USD sụt giá mạnh so với EUR và JPY vào nửa đầu năm 2004, nửa cuối của năm 2004 FED thực hiện 5 lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD, các NHTM gặp nhiều khó khăn trong huy động tiền gửi. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 26,9% so với năm 2003, trong khi tổng huy động tiền gửi tăng 22,7%. Trong nỗ lực kìm chế lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ, NHNN Việt Nam vẫn công bố giữ ổn định mức lãi suất cơ bản 0,75% trong suốt cả năm. Cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại ngày càng tăng.
Thị trường chứng khoán năm 2004 sôi động hơn với trị giá chứng khoán niêm yết tăng 12.500 tỷ đồng, tăng 93,4% so với năm 2003 (Theo báo cáo tổng kết của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước). Các hàng hoá được giao dịch chủ yếu vẫn là Trái phiếu Chính phủ. Tính đến hết năm 2004, có 26 công ty có cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên TTCKVN, trong đó 24 công ty là DNNN cổ phần hoá và Nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phiếu.
Đánh giá triển vọng giai đoạn 2005-2007
Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) đã đưa ra những đánh giá tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam . Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP được dự báo tăng đều xung quanh mức 7,5% - 8,5% trong vòng 3 năm tới 2005-2007 nhờ vào giá dầu mỏ tiếp tục biến động có lợi và nền kinh tế thế giới đang phục hồi dần tốc độ tăng trưởng. Thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 5%. Việt Nam đang nỗ lực hướng tới mục tiêu hoàn tất đàm phán song phương để gia nhập WTO vào cuối năm 2005. Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, những năm tiếp theo sẽ hứa hẹn nhiều động lực phát triển kinh tế và cải thiện đời sống xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong công cuộc cải cách kinh tế, cụ thể là khu vực DNNN và các NHTM quốc doanh trước nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
TÓM LƯỢC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2004
Tiếp tục lộ trình của Đề án Tái cơ cấu NHCTVN đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2004 bằng sự nỗ lực của toàn hệ thống, NHCTVN đã đạt được những kết quả kinh doanh rất đáng khích lệ. Khối nợ tồn đọng từ trước năm 2000 đã được giải quyết gần như triệt để, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%; cơ cấu đầu tư được cải thiện. Dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán do WB tài trợ đang trong quá trình triển khai rộng rãi trong toàn hệ thống NHCTVN. Mô hình tổ chức cũng đang thay đổi dần theo hướng hiện đại phù hợp với việc ứng dụng công nghệ mới.
Sau một thời gian giảm phát, năm 2004 chỉ số giá cả của Việt Nam tăng đột biến lên 9,5%, cùng với giá vàng cũng tăng mạnh; Hệ quả tất yếu là lãi suất ngân hàng tăng theo. NHCTVN năm qua đã thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường để có chính sách lãi suất linh hoạt đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Chính sách khuyến mãi , chăm sóc khách hàng cũng được áp dụng rộng rãi và tích cực để thu hút các nguồn tiền gửi vào ngân hàng. Việc phát triển các sản phẩm dịch vụ mới như thẻ, thanh toán… tiếp tục là mũi nhọn đầu tư của NHCTVN, nhằm đạt hai mục tiêu : Tăng thu nhập từ phí và tăng trưởng nguồn vốn.
Tổng nguồn vốn huy động đến 31/12/2004 đạt 81.597 tỷ, tăng 14,7% so với năm 2003. Nguồn vốn VNĐ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với ngoại tệ , mặc dù tương quan về lãi suất giữa VNĐ và USD đã bắt đầu thay đổi. Năm 2005 NHCTVN dự định sẽ có nhiều giải pháp mới trong lĩnh vực huy động vốn nhằm giữ được sự phát triển ổn định .
Đến 31/12/2004 dư nợ tín dụng của NHCTVN đạt 64.160 tỷ, tăng so với đầu năm 23,9%. Mục tiêu của hoạt động tín dụng trong thời gian này là cơ cấu lại danh mục cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, phân tán rủi ro, tăng cường quản lý rủi ro, tăng cường kiểm tra kiểm soát nội bộ, cảnh báo sớm rủi ro để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn và hiệu quả..
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đẩy mạnh hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hoá doanh nghiệp và phát triển kinh tế nhiều thành phần, hệ thống ngân hàng thương mại cần đánh giá đúng mức rủi ro tín dụng trong cho vay DNNN, NHCTVN đã tập trung phân tích đánh giá thực chất kết quả hoạt động kinh doanh, tài chính và năng lực quản lý của DNNN nhằm có chính sách tín dụng phù hợp với từng DNNN, với từng ngành hàng, tỷ trọng cho vay DNNN giảm từ 55,5% năm 2003 xuống còn 48% năm 2004.
Tăng đầu tư tín dụng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), hộ sản xuất, tập trung vào những khu vực kinh tế năng động và có tiềm lực. Tích cực khai thác các chương trình, dự án tín dụng có nguồn vốn tài trợ nước ngoài cho DNVVN như Dự án JIBIC (Nhật) để khai thác tối đa nguồn vốn ít rủi ro về kỳ hạn nguồn vốn của các định chế tài chính quốc tế và học hỏi được nhiều kinh nghiệm thẩm định và kiểm soát tín dụng của các nước tiên tiến thông qua chính yêu cầu nội dung của các Chương trình đó.
Về đầu tư, đến 31/12/2004 tổng nghiệp vụ đầu tư của NHCTVN trên thị trường giấy tờ có giá của Chính phủ phát hành và trên thị trường liên ngân hàng là 21.187 tỷ, chiếm 20% tổng tài sản có, đã mang lại hiệu quả đầu tư cao , an toàn và góp phần vào thực thi chính sách tài chính của Chính phủ. Là một NHTM lớn, NHCTVN đóng vai trò quan trọng trong hệ thống về liên kết và hỗ trợ thanh khoản liên ngân hàng.
NHCTVN đã dành nguồn lực thích đáng để đầu tư vào Trái phiếu công ty do các Tổng công ty lớn phát hành, tuy tỷ lệ đầu tư vào Trái phiếu công ty còn thấp do tính thanh khoản trên thị trường không cao. Nhưng trong tương lai gần NHCTVN sẽ tiếp tục phát triển nghiệp vụ đầu tư này, nhằm đa dạng hóa các hoạt động đầu tư sinh lời, góp phần tạo tính thanh khoản cho thị trường vốn ở Việt Nam . Ngoài ra, NHCTVN còn đầu tư tiền gửi ngoại tệ tại thị trường nước ngoài, với những Ngân hàng đại lý có xếp hạng tín nhiệm cao, lãi suất hấp dẫn và quan hệ hợp tác tốt với NHCTVN.
Phát triển các hoạt động dịch vụ
Thanh toán chuyển tiền trong nước: Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán chuyển tiền tăng 30-35% so với năm 2003. Với hệ thống chuyển tiền điện tử VNĐ mới đã đáp ứng được mục tiêu mở rộng mạng lưới thanh toán trong và ngoài hệ thống, đáp ứng yêu cầu về thời gian, về mức độ xử lý tự động, cung cấp dịch vụ thanh toán song biên với nhiều đối tác lớn như Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Citibank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam… Tính ưu việt của hệ thống chuyển tiền điện tử đã được nhận giải thưởng “Sao vàng đất Việt” của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam và Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc thành tích xuất sắc trong phát triển sản phẩm và thương hiệu tham gia hội nhập kinh tế quốc tế” của Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế.
Thanh toán xuất nhập khẩu: Năm 2004 tăng so với năm 2003. Thanh toán nhập khẩu đạt 2,25 tỷ USD, tăng 24%. Thanh toán xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 38%. Phát hành L/C để nhập khẩu tăng 32%. Doanh số hoạt động qua tài khoản Nostro mở tại các Ngân hàng đại lý đạt 6,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2003. Trình độ nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu ngày càng được nâng lên. Từ năm 2000 đến nay, năm nào NHCTVN cũng được các ngân hàng nước ngoài lớn như Bank of NewYork, JP Morgan Chase, Citi Bank, Wachovia Bank … tặng giải thưởng là ngân hàng hàng đầu về tỷ lệ xử lý điện thanh toán đi thẳng tự động qua hệ thống Swift với nước ngoài.
Kinh doanh ngoại tệ: Thị trường ngoại hối trong nước tương đối ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng, hoạt động kinh doanh ngoại tệ của NHCT trong năm 2004 tăng 20% so với năm 2003, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu về ngoại tệ của khách hàng, góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khác như tài trợ thương mại, thanh toán xuất nhập khẩu. Tuy nhiên NHCTVN cần đẩy mạnh hơn nữa thanh toán hàng xuất khẩu, để đáp ứng nhu cầu bán ngoại tệ cho khách hàng (tăng đến 33%). Vấn đề này phải được thực hiện đồng bộ trong chính sách tiếp thị và chăm sóc khách hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Thẻ tín dụng và ATM: Năm 2004 NHCTVN tiếp tục đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, và chính thức là ngân hàng trực tiếp phát hành thẻ tín dụng quốc tế VISA và MASTER Card. Kết quả lượng thẻ phát hành đã tăng hơn hai lần so với năm 2003, đưa tổng số thẻ của NHCTVN phát hành lên 60.000 thẻ, với những cải tiến gia tăng tiện ích cho thẻ, bước đầu tạo dựng được uy tín cao trên thị trường thẻ Việt Nam. Hệ thống ATM của NHCTVN gồm 142 máy, đặt tại trụ sở các chi nhánh, các điểm giao dịch của ngân hàng, khu dân cư tập trung, cơ quan, trường học, … để tăng tiện ích cho khách hàng.
Dịch vụ kiều hối: Năm 2004, doanh số chi trả kiều hối của NHCTVN tăng 46,3% so với năm 2003 nhằm thu hút nguồn ngoại tệ và tăng thu phí dịch vụ. Năm 2005, NHCTVN đã mở rộng thêm nhiều đối tác mới về chuyển tiền kiều hối là các Ngân hàng đại lý và Công ty chuyển tiền ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, CHLB Nga, … phục vụ chuyển tiền kiều hối toàn cầu về Việt Nam. Với mạng lưới Chi nhánh, Phòng giao dịch, Điểm giao dịch rộng khắp trong toàn quốc, hệ thống thanh toán nhanh, chất lượng dịch vụ tốt, mức phí thấp.
Dịch vụ Séc du lịch : hiện tại số chi nhánh được chọn làm đại lý thanh toán séc dụ lịch của NHCTVN là 50 chi nhánh, tổng số séc du lịch thu đổi trong năm 2004 là 1.394 món với doanh số tăng 18% so với năm 2003.
Năm 2004, đánh dấu một nỗ lực hơn nữa của NHCTVN trong cam kết hội nhập thị trường tài chính khu vực và thế giới. Mục tiêu chiến lược của NHCT là sẽ giảm tỷ lệ thu phí từ hoạt động tín dụng và tăng tỷ lệ thu phí từ hoạt động phi tín dụng, phấn đấu trở thành một ngân hàng hiện đại, an toàn và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu chiến lược này, hoạt động ngân hàng quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng. NHCTVN có quan hệ đại lý với 735 ngân hàng toàn cầu, có thể đi bằng điện Swift có mã khoá đến 11.915 ngân hàng và chi nhánh toàn cầu, phục vụ hoạt động tài trợ thương mại, thanh toán và chuyển tiền với nước ngoài, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư vốn ở thị trường nước ngoài, thẻ tín dụng, Séc du lịch…
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế á-Âu (ASEM) thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank) viện trợ không hoàn lại cho NHCTVN để kiểm toán quốc tế hai niên độ 2003 và 2004 theo Tiêu chuẩn Kiểm toán Quốc tế (IAS) và theo Tiêu chuẩn Kiểm toán Việt Nam (VAS). Thông qua Dự án này, Công ty Kiểm toán Quốc tế Ernst & Young đã kiểm toán quốc tế NHCTVN hai niên độ 2003 và 2004, đưa ra nhiều khuyến nghị và đề xuất quý báu, thiết thực đối với NHCTVN để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến dần tới chuẩn mực ngân hàng quốc tế, từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Ngân hàng INDOVINA là liên doanh đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập từ năm 1990, giữa NHCTVN và Ngân hàng PT BANK SUMMA- INDONESIA, với số vốn điều lệ ban đầu là 10 triệu USD. Năm 2000, được sự chấp thuận của Thống đốc ngân hàng Nhà nước, liên doanh này thay đổi phía đối tác nước ngoài là Ngân hàng thương mại Thế hoa (Nay là Cathay United Bank). Trải qua 3 lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ của Ngân hàng INDOVINA là 25 triệu USD (Mỗi bên 50%). Đây là liên doanh có hiệu quả, hoạt động kinh doanh phát triển tốt, đặc biệt kể từ sau thay đổi đối tác nước ngoài, lợi nhuận không ngừng tăng qua các năm, các chỉ tiêu tài chính đều đảm bảo tốt. Năm 2004, tổng tài sản tăng 10,3%, lợi nhuận tăng 56% so với năm 2003.
Công ty Cho thuê Tài chính Quốc tế Việt Nam (VILC) là công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính, được thành lập từ năm 1997 tại Việt Nam, với vốn điều lệ 5 triệu USD được góp bởi KDB Capital Corporation (Hàn Quốc), Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Natexis Banques Populaires (Pháp), Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) và Công ty Tài chính Quốc tế (Mỹ). Đến cuối năm 2004, Công ty Tài chính Quốc tế rút vốn và chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình (850.000 USD) cho 4 đối tác còn lại. Hiện nay vốn góp của NHCT VN trong VILC chiếm 22,35% vốn điều lệ. Từ tháng 10/1999 đến nay Công ty đã liên tục có lãi, đang trên đà ổn định và phát triển, qui mô hoạt động ngày càng mở rộng, các chỉ tiêu tài chính đều đảm bảo. VILC đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực cho thuê tài chính tại Việt Nam, là kênh dẫn vốn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Công ty liên doanh Bảo hiểm Châu á- NHCT là liên doanh giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam với Công ty Bảo hiểm Châu á của Singapore, được Bộ Tài chính
Việt Nam cấp giấy phép hoạt động ngày 12/12/2002, vốn điều lệ của công ty là 6 triệu đô la Mỹ. Lĩnh vực kinh doanh là khai thác và nhận tất cả các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2003 và có trụ sở chính tại Hà Nội, một chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Ngay sau một năm đầu hoạt động, Công ty không những không bị lỗ mà còn có lãi. Năm 2004, lợi nhuận của Công ty tăng 6,1 lần so với năm 2003. Với phương châm: Phát triển công ty một cách vững chắc, được quản lý tốt trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp với các bạn hàng và sự hợp tác với các Công ty Bảo hiểm khác trên thị trường, Công ty liên doanh Bảo hiểm Châu á- NHCT sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam cũng như cho NHCT VN.
Phát triển công nghệ và hiện đại hóa Ngân hàng
Năm 2004, NHCT VN đã triển khai thành công Dự án Hiện đại hóa Ngân hàng và Hệ thống thanh toán giai đoạn I gồm Trụ sở chính và bốn chi nhánh lớn tại Hà Nội, gọi là hệ thống INCAS (Incombank Advanced System). Tập trung nguồn lực nhận bàn giao hệ thống INCAS từ đối tác silverlake system sdn bhd ( Malaysia ). Nâng cấp máy chủ INCAS thành công, tạo tiền đề cho việc triển khai mở rộng INCAS. Hiện nay đang triển khai giai đoạn II, mở rộng INCAS ra các chi nhánh trong toàn hệ thống.
Cũng trong năm 2004, NHCTVN đã phát triển các hoạt động dịch vụ và tiện ích Ngân hàng như ATM, VISA Card, MASTER Card… Tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Hiện đại hoá Ngân hàng và Hệ thống thanh toán, Telephone banking, Internet Banking, phát hành và thanh toán Thẻ tiền mặt, Thẻ tín dụng Visa/Master, tăng các sản phẩm dịch vụ mới cho khách hàng.
NHCT VN mở rộng thanh toán song biên với các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam Citi Bank…, tiếp tục duy trì và nâng cao uy tín , đưa NHCTVN trở thành một trong những ngân hàng thanh toán bù trừ lớn nhất trong Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng của các tổ chức tài chính tín dụng và chứng khoán tại Việt Nam.
Tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm ngân hàng mới phục vụ công tác huy động vốn: Chứng chỉ tiền gửi, Trái phiếu mệnh giá ghi sổ, Trái phiếu ngoại tệ... Hoàn thiện chương trình quản lý tiền gửi dân cư SAMIS (Saving Accounts Management Information System) theo quy chế mới của NHNNVN.
Xây dựng chiến lược và kế hoạch lưu trữ dữ liệu phù hợp với công nghệ lưu trữ hiện đại. Nghiên cứu và triển khai các biện pháp phòng chống virus hiệu quả nhất đến tất cả các các phòng ban Trụ sở chính và các chi nhánh. Đảm bảo lưu trữ và truyền nhận dữ liệu an toàn trong toàn hệ thống, xử lý thông tin cung cấp kịp thời cho Ban Lãnh đạo phục vụ công tác quản trị điều hành.
Nghiên cứu và ứng dụng hệ thống thư tín điện tử nội bộ trong toàn hệ thống NHCTVN. Tập trung triển khai tại Trụ sở chính và TTCNTT trong quý II/2005, sau đó triển khai mở rộng đến các chi nhánh.
Nghiên cứu khả năng chuyển đổi các ứng dụng hiện có sang giao diện WEB nhằm đảm bảo thích ứng với công nghệ mới trong tương lai. Tiếp tục triển khai kịp thời các đường truyền số liệu Leased Line (khoảng 100 đường) giữa các chi nhánh với Trụ sở chính, giữa các Phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm, tạo cơ sở hạ tầng về truyền thông để triển khai mở rộng hệ thống INCAS và các dịch vụ ngân hàng tại các Phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm của NHCTVN.
Cũng trong năm 2004, NHCTVN đã nâng cấp đường truyền thông nối các chi nhánh khu vực Hà Nội và TP. HCM về Trung tâm vùng từ 64 Kbps lên 128 Kbps, nâng cấp hoàn chỉnh đường truyền thông Hà Nội – TP. HCM từ 256 Kbps lên 512 Kbps, Hà Nội - Đà Nẵng từ 64 Kbps lên 128 Kbps, Hà Nội - Hải Phòng từ 64 Kbps lên 128 Kbps, triển khai lắp đặt xong đường trục Bắc – Nam dự phòng 512 Kbps, lắp đặt đường trục Hà Nội - Đà Nẵng dự phòng 256 Kbps.
Năm 2004, sản phẩm “Hệ thống Thanh toán điện tử” của NHCT VN được bình chọn và đoạt giải thưởng “Sao vàng đất Việt” do Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam trao tặng.
Năm 2005, NHCTVN phấn đấu hoàn thành chương trình hiện đại hóa INCAS , triển khai mở rộng cho toàn hệ thống NHCTVN. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, làm cơ sở để triển khai nhiều dịch vụ, tiện ích ngân hàng mới, mở rộng cung ứng các loại hình dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của NHCTVN trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, hấp dẫn và lôi cuốn khách hàng, tạo khả năng đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng và tăng vị thế NHCT VN trong nước và quốc tế.
Nhằm đạt mục tiêu kết thúc thắng lợi Đề án tái cơ cấu lại NHCTVN đã được Chính phủ phê duyệt, chuyển sang giai đoạn xây dựng và phát triển NHCTVN thành một ngân hàng chủ lực và hiện đại của Việt Nam, hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao, an toàn, bền vững, tài chính lành mạnh, có kỹ thuật công nghệ cao, kinh doanh đa năng, mở rộng và phát triển mạnh các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ tại Việt Nam, Hội đồng Quản trị đã nhất trí đề ra mục tiêu kế hoạch năm 2005 như sau: Tổng nguồn vốn huy động tăng 18%, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 16%, giảm tỷ lệ cho vay không có tài sản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu dưới 4% dư nợ, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn tối đa 40% tổng dư nợ, xử lý tài sản thu hồi nợ tồn đọng, tăng trích lập dự phòng rủi ro và tăng lợi nhuận ròng.
TÁI CƠ CẤU NHCTVN SAU 4 NĂM THỰC HIỆN
Đề án tái cơ cấu NHCTVN đã được Chính phủ phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ năm 2001, đến nay đã đạt những mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2001-2005, đó là:
1/ Đã xử lý cơ bản khối nợ tồn đọng phát sinh trước năm 2000, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 28% năm 2000 xuống 3% cuối năm 2004. Một trong những biện pháp tích cực nhất trong 4 năm qua là bán khối tài sản đảm bảo để thu hồi nợ tồn đọng thông qua Công ty quản lý và khai thác tài sản NHCTVN. Một phần nợ tồn đọng được xử lý bằng nguồn dự phòng của NHCTVN. Đối với các khoản nợ tồn đọng không còn chủ nợ và không có tài sản đảm bảo đã được Chính phủ cũng hỗ trợ xử lý.
2/ Thực hiện đúng lộ trình của Đề án Tái cơ cấu, do vậy Chính phủ đã cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHCTVN tổng số 2.200 tỷ VNĐ, đưa tổng số vốn điều lệ của NHCTVN lên 3.300 tỷ VNĐ thời điểm cuối năm 2004.
3/ Kết thúc giai đoạn 1 Dự án hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và Hệ thống thanh toán (INCAS), theo đó, NHCTVN đã triển khai ứng dụng ở hơn 40% mạng lưới chi nhánh, các nghiệp vụ ngân hàng đều xử lý trực tuyến.
4/ Mô hình tổ chức đã được điều chỉnh từng bước phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, hướng theo mô hình của các ngân hàng phát triển trong khu vực và trên thế giới. Một thay đổi nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng là thay đổi về tổ chức các bộ phận tín dụng tại Trụ sở chính và các chi nhánh. Các phòng tín dụng được thành lập lại chuyên sâu theo tiêu chí khách hàng: Phòng Tín dụng khách hàng lớn, Phòng Tín dụng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng Tín dụng khách hàng cá nhân, Phòng Quản lý tín dụng, Phòng Quản lý rủi ro và Nợ có vấn đề... Đồng thời, thành lập Ban Kiểm tra Kiểm toán Nội bộ độc lập từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Tổng Giám đốc NHCTVN, thay vì trực thuộc Giám đốc các chi nhánh như trước đây.
5/ Thực hiện tốt việc đào tạo nâng cao trình độ cán bộ toàn hệ thống , chú trọng đến chất lượng hoạt động , mở rộng hiểu biết về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại , nâng cao khả năng cảnh báo và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng . Cuối năm 2004, Sổ tay tín dụng đã chính thức hoàn thành. Đây là bộ tài liệu cẩm nang cho hoạt động tín dụng của NHCTVN, bao gồm đầy đủ các nội dung về nguyên tắc, quy trình, thủ tục tín dụng, được soạn thảo theo xu hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với các điều kiện thực tế của môi trường kinh doanh Việt Nam.
6/ NHCTVN tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới, tập trung tại các thành phố lớn, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư…, nâng cấp 4 Phòng giao dịch thành Chi nhánh cấp II, nâng cấp 3 Chi nhánh cấp II lên Chi nhánh cấp I, thành lập mới 3 Chi nhánh cấp II và 3 Chi nhánh cấp I, nâng tổng số chi nhánh NHCTVN lên 131 chi nhánh, 2 Sở giao dịch lớn, 150 Phòng giao dịch và 420 Quỹ tiết kiệm.
7/ Khoản viện trợ 1,3 triệu EUR của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ cho “Chương trình Cải cách ngành ngân hàng Việt Nam„ thông qua NHNN, đơn vị thụ hưởng là Ngân hàng Công thương Việt Nam và đơn vị thắng thầu là Công ty Tư vấn quốc tế PWC tại Việt Nam, liên doanh với Công ty tư vấn Enterplan (Anh) và ING Bank (Hà Lan). Trên cơ sở khoản viện trợ này, NHNN đã ký kết với PWC Việt Nam “Hợp đồng Tư vấn Hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Dự án Tái cơ cấu NHCTVN„, thời hạn 2 năm từ tháng 12/2003 đến hết tháng 10/2005, tập trung 8 cấu phần:
- Đánh giá hoạt động, xây dựng kế hoạch hoạt động
- Cơ cấu tổ chức và quản trị
- Nghiên cứu thị trường và Marketing
- Quản lý rủi ro
- Quản lý vốn và tài chính
- Quản lý các khoản vay có vấn đề
- Kiểm tra và kiểm toán nội bộ
- Công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý
Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tái cơ cấu NHCTVN thực sự có ý nghĩa đối với NHCTVN, giúp NHCTVN hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, trở thành ngân hàng đa năng, hiện đại, từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Các Báo cáo tài chính của NHCTVN được lập theo chế độ kế toán Việt Nam áp dụng cho các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Riêng Báo cáo tài chính của Công ty chứng khoán NHCTVN áp dụng Hệ thống kế toán Công ty chứng khoán do Bộ Tài chính Việt Nam ban hành.
Các báo cáo tài chính hợp nhất thể hiện số liệu hoạt động của toàn hệ thống NHCTVN bao gồm Hội sở chính, Sở giao dịch I, Sở Giao dịch II, các chi nhánh, Công ty cho thuê tài chính, Công ty Quản lý và Khai thác tài sản, Công ty Chứng khoán và các đơn vị sự nghiệp như Trung tâm đào tạo, Trung tâm công nghệ thông tin NHCTVN.
Niên độ kế toán từ 1/1/2004 đến 31/12/2004.
Đơn vị tính trong các báo cáo tài chính tổng hợp là triệu đồng Việt Nam.
Tóm lược một số nguyên tắc kế toán chủ yếu:
- Nguyên tắc chuyển đổi: Tài sản và công nợ thể hiện bằng các đồng tiền khác với đồng Việt Nam được quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá do NHCTVN công bố vào ngày 31/12/2004 (15.739 VND/USD). Những nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ trong năm được ghi theo nguyên tệ và quy đổi ra VND theo tỷ giá tại ngày phát sinh nghiệp vụ. Chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ kinh doanh và chênh lệch của các nghiệp vụ phát sinh trong năm được hạch toán vào kết quả lỗ, lãi.
- Hạch toán doanh thu, chi phí: Theo quy định của NHNN Việt Nam, từ năm 2001 NHCTVN đã thực hiện chế độ kế toán dự thu, dự trả trong việc hạch toán thu nhập và chi phí.
- Cho vay: Phản ánh dư nợ gốc chưa thanh toán đến 31/12/2004 bao gồm cả các khoản cho vay, chiết khấu, cầm cố giấy tờ có giá, cho thuê tài chính, cho vay do bảo lãnh.
- Góp vốn liên doanh, mua cổ phần được hạch toán bằng nguyên tệ số vốn thực góp và được quy đổi thành đồng Việt Nam.
- Tài sản cố định được tính nguyên giá trừ đi hao mòn luỹ kế. Tỷ lệ khấu hao được tính theo quy định của Bộ Tài chính.
- Lãi chưa phân phối được xác định bằng kết quả kinh doanh còn lại chưa phân phối vào các quỹ sau khi đã trừ các khoản thuế thu nhập.
Đơn vị: Triệu ĐVN | ||
2004 | 2003 | |
Tổng tài sản có | 90.734.644 | 80.887.100 |
Tiền mặt và tương đương tiền mặt | 1.250.758 | 1.044.160 |
Tiền gửi tại NHNN | 5.260.666 | 5.317.107 |
Tiền gửi tại TCTD | 7.999.392 | 9.213.473 |
Cho vay | 64.159.522 | 51.778.532 |
Đầu tư vào chứng khoán | 8.155.053 | 10.024.497 |
Góp vốn mua cổ phần | 261.576 | 218.248 |
Tài sản cố định | 1.002.172 | 755.876 |
Các khoản phải thu | 2.517.120 | 2.375.468 |
Tài sản có khác | 128.385 | 159.739 |
Tổng tài sản nợ và vốn | 90.734.644 | 80.887.100 |
Tổng tài sản nợ | 85.825.871 | 76.733.017 |
Tiền gửi của khách hàng | 64.701.713 | 56.491.099 |
Tiền gửi của Tổ chức tài chính | 12.642.276 | 11.104.441 |
Phát hành giấy tờ có giá | 4.252.876 | 3.550.652 |
Vay NHNN và TCTD | 1.105.411 | 2.596.716 |
Các khoản phải trả | 2.855.105 | 2.763.276 |
Tài sản nợ khác | 268.490 | 226.833 |
Tổng vốn | 4.908.773 | 4.154.083 |
Vốn điều lệ | 3.327.888 | 2.908.000 |
Quỹ khác | 1.374.016 | 1.040.897 |
Lãi chưa phân phối | 206.869 | 205.186 |
(Vào 31/12/2004) Đơn vị: Triệu ĐVN | ||
2004 | 2003 | |
Thu từ lãi | 6.678.272 | 5.739.293 |
Thu lãi cho vay | 5.624.776 | 4.798.791 |
Thu lãi tiền gửi | 368.556 | 367.745 |
Thu lãi chứng khoán | 644.376 | 491.203 |
Thu lãi khác | 40.564 | 81.554 |
Chi trả lãi | 3.965.833 | 3.838.689 |
Chi lãi TG, kỳ phiếu, giấy tờ có giá | 3.295.941 | 3.491.926 |
Chi lãi vay | 666.719 | 342.373 |
Chi lãi khác | 3.173 | 4.390 |
Thu nhập ròng từ lãi | 2.712.439 | 1.900.604
|
Thu nhập ngoài lãi | 311.547 | 340.173 |
Thu phí dịch vụ | 178.627 | 164.717 |
Thu kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc | 55.235 | 91.365 |
Thu khác | 77.685 | 84.091 |
Tổng thu nhập hoạt động | 3.023.986 | 2.240.777
|
Chi phí hoạt động và công cụ | 1.361.927 | 1.085.678 |
Chi phí cho nhân viên | 482.827 | 439.414 |
Chi phí quản lý và công cụ | 375.755 | 258.367 |
Chi về tài sản |
|
|
Chi khấu hao tài sản cố định | 141.687 | 111.167 |
Chi khác về tài sản cố định | 115.250 | 73.700 |
Chi kinh doanh ngoại tệ vàng bạc | 29.420 | 11.478 |
Chi phí hoạt động khác | 216.988 | 191.552 |
Thu nhập trước dự phòng | 1.662.059 | 1.155.099 |
Chi dự phòng nợ phải thu khó đòi | 1.409.035 | 931.913 |
Thu nhập trước thuế | 253.024 | 223.186 |
Thuế thu nhập | 46.155 | 18.000 |
Thu nhập ròng | 206.869 | 205.186 |
Đơn vị: Triệu ĐVN
1 | Tiền gửi tại các TCTD | 10.535.552 | 9.213.473 |
Tiền gửi tại các TCTD ở nước ngoài | 7.999.392 | 2.961.110 | |
Tiền gửi tại các TCTD trong nước | 2.536.160 | 6.252.363 | |
|
| ||
2 | Cho vay | 64.159.522 | 51.778.532 |
Cho vay ngắn hạn | 35.056.483 | 23.769.910 | |
Cho vay trung dài hạn | 27.583.736 | 24.406.977 | |
Đồng tài trợ và cho vay TCTD | 47.653 | 2.151.096 | |
Cho vay bằng vốn tài trợ uỷ thác đầu tư | 676.094 | 707.828 | |
Chiết khấu, cầm cố giấy tờ có giá | 272.939 | 129.838 | |
Cho thuê tài chính | 480.214 | 300.797 | |
Cho vay do bảo lãnh | 42.403 | 312.086 | |
|
| ||
| (i)Phân tích theo loại tiền | 64.159.522 | 51.778.532 |
Cho vay VNĐ | 55.266.756 | 43.013.192 | |
Cho vay ngoại tệ | 8.892.766 | 8.765.340 | |
|
| ||
| (ii) Phân tích theo ngành kinh doanh | 64.159.522 | 51.778.533 |
Công nghiệp | 21.270.873 | 18.667.792 | |
Thương mại dịch vụ | 13.876.228 | 10.492.728 | |
Xây dựng - GTVT | 15.952.670 | 9.650.157 | |
Nông nghịêp và ngành khác | 13.059.751 | 12.967.856 | |
|
| ||
(iii) Phân tích theo khu vực kinh tế | 64.159.522 | 51.778.533 | |
Khu vực nhà nước | 26.918.227 | 23.818.125 | |
Khu vực phi nhà nước | 37.241.295 | 27.960.408 | |
|
| ||
(iv) Nợ khoanh và nợ chờ xử lý | 483.804 | 1.727.268 | |
Nợ khoanh | 106.300 | 276.776 | |
Nợ chờ xử lý | 377.504 | 1.450.492 | |
|
| ||
| (v) Biến động trong dự phòng rủi ro |
|
|
Số dư đầu năm | 108.021 | 227.731 | |
Trích dự phòng rủi ro trong năm | 1.409.035 | 931.913 | |
Nợ xấu được xoá | (1.073.000) | (1.051.623) | |
Số dư cuối năm | 444.056 | 108.021 | |
|
| ||
3 | Đầu tư vào chứng khoán | 8.155.053 | 10.024.497 |
Đầu tư vào chứng khoán Chính phủ | 8.155.053 | 10.024.497 | |
Đầu tư vào chứng khoán Tổ chức tín dụng | 0 | 0 - | |
|
| ||
4 | Góp vốn mua cổ phần | 261.576 | 218.248 |
Với TCTD | 264.576 | 218.248 | |
Với TCKT |
|
| |
|
| ||
5 | Tài sản cố định | 1.002.172 | 755.876 |
Tài sản cố định hữu hình | 867.351 | 664.527 | |
Tài sản cố định vô hình | 119.825 | 65.623 | |
Tài sản cố định thuê tài chính | 14.996 | 25.726 | |
|
| ||
6 | Các khoản phải thu | 2.517.120 | 2.375.468 |
Nợ của ngân sách nhà nước | 59.716 | 12.415 | |
Tạm ứng để hoạt động nghiệp vụ | 446.078 | 365.787 | |
Tạm cấp vốn cho công ty trực thuộc | 147.865 | 202.954 | |
Chi phí chờ phân bổ | 26.039 | 27.153 | |
Lãi cộng dồn dự thu | 673.409 | 547.392 | |
Tạm ứng và phải thu khác | 1.164.013 | 1.219.767 | |
|
| ||
7 | Tiền gửi của khách hàng |
|
|
| (i) Phân tích theo khách hàng | 64.701.713 | 56.491.099 |
Tiền gửi của doanh nghiệp | 34.300.598 | 30.486.692 | |
Tiền gửi của dân cư | 30.401.115 | 26.004.407 | |
|
| ||
| (ii) Phân tích theo kỳ hạn | 64.701.712 | 56.491.099 |
Tiền gửi không kỳ hạn | 26.368.117 | 23.215.081 | |
Tiền gửi cókỳ hạn | 38.333.595 | 33.276.018 | |
|
| ||
| (iii) Phân tích theo loại tiền | 64.701.713 | 56.491.099 |
Tiền gửi VNĐ | 50.667.127 | 43.425.028 | |
TIền gửi ngoại tệ | 14.034.586 | 13.066.071 | |
|
| ||
8 | Tiền gửi của các tổ chức tài chính | 7.999.392 | 11.104.441 |
Tiền gửi của TCTD | 7.373.909 | 10.670.808 | |
Tiền gửi của kho bạc | 625.483 | 433.633 | |
|
| ||
9 | Vay NHNN và TCTD | 1.105.411 | 2.596.716 |
Vay NHNN | 318.992 | 1.936.638 | |
Vay TCTD | 786.419 | 660.078 | |
10 | Các khoản phải trả | 2.855.105 | 2.763.276 |
Phải trả về XDCB, mua sắm TSCĐ | 101.752 | 89.343 | |
Thuế và các khoản phải nộp NS | 4.586 | 5.341 | |
Các khoản chờ thanh toán | 385.555 | 414.154 | |
Các khoản phải trả nội bộ | 93.900 | 96.155 | |
Nhận ký quỹ bằng VNĐ và ngoại tệ | 825.405 | 814.097 | |
Lãi cộng dồn dự trả | 855.105 | 763.276 | |
Các giao dịch ngoại hối | 130.705 | 226.775 | |
Phải trả khác | 458.097 | 354.135 | |
|
| ||
11 | Các quỹ và vốn khác | 1.374.016 | 1.040.897 |
Vốn đầu tư XDCB | 284.671 | 283.339 | |
Vốn khác | 66.471 | 66.472 | |
Quỹ đầu tư phát triển | 282.426 | 279.450 | |
Quỹ dự trữ, bổ sung vốn điều lệ | 28.229 | 27.958 | |
Quỹ dự phòng tài chính | 665.811 | 329.866 | |
Quỹ khác | 46.408 | 53.812 |
Tổng tài sản
Tổng tài sản của NHCTVN năm 2004 đạt 90.734 tỷ VNĐ, tương đương 5,76 tỷ USD và tăng 13% so với năm 2003. Tài sản của NHCTVN gồm tiền mặt và tương đương chiếm 1,38%, tiền gửi tại NHNN và các tổ chức tín dụng 14,6%, cho vay 70,7%, đầu tư chứng khoán 9%, các khoản phải thu 2,77% và các tài sản khác 2,23%.
Khoản mục cho vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của ngân hàng, đạt 64.159 tỷ VNĐ năm 2004, tăng 23,9% so với năm 2003. Tốc độ tăng trưởng cho vay vẫn nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng của tài sản. So với năm 2003, dư nợ cho vay khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 46% xuống 41%, trong khi dư nợ cho vay khu vực kinh tế tư nhân tăng lên 59%, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi khu vực kinh tế tư nhân càng được chú trọng và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngày càng được đẩy mạnh.
Cho vay trung dài hạn giảm từ 47% năm 2003 xuống 43% năm 2004 do chỉ tiêu kế hoạch của HĐQT đề ra là giảm cho vay trung dài hạn xuống 40%. So với tốc độ tăng trưởng dư nợ, tốc độ tăng cho vay ngành công nghiệp và nông nghiệp tăng lên tương đối nhanh, trong khi cho vay các ngành thương mại dịch vụ và xây dựng tăng chậm hơn, thậm chí còn giảm. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với bức tranh năm 2003.
Tỷ lệ Nợ quá hạn/Tổng dư nợ giảm từ 3,3% năm 2003 xuống 0,75% năm 2004, một phần do NHCTVN đã dùng nguồn trích dự phòng rủi ro để xoá nợ là 1073 tỷ VNĐ, một phần do nỗ lực thu hồi nợ và do tăng trưởng dư nợ năm 2004. Năm 2004, ngân hàng đã trích 1409 tỷ VNĐ từ lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Ngân hàng cũng đã có kế hoạch trích lập dự phòng đủ, để đến năm 2006 sẽ giải quyết hết số nợ tồn đọng phát sinh trước năm 2000, chủ yếu do vụ Epco-Minh Phụng gây ra.
Nguồn vốn và thanh khoản
Nguồn vốn Chủ sở hữu năm 2004 đạt 4.908 tỷ VNĐ, tăng 754 tỷ VNĐ so với năm 2003. Chỉ số an toàn đo bằng vốn Chủ sở hữu/Tài sản có rủi ro năm 2004 đạt 6,30%, tăng so với mức 6,08% năm 2003 do Nhà nước cấp vốn bổ sung 400 tỷ VNĐ bằng trái phiếu Chính phủ, do tăng lợi nhuận và do những thay đổi trong cơ cấu tài sản, trong đó tốc độ tăng trưởng tài sản ít rủi ro và không rủi ro tăng nhanh hơn tài sản rủi ro cao như cho vay, v.v… Theo tiến trình tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ tồn đọng, NHNN cam kết sẽ cấp bổ sung vốn cho NHCTVN để tăng Vốn Điều lệ lên 5.000 tỷ VNĐ trong 3 năm tới. Nhìn chung chất lượng tài sản của ngân hàng đang được cải thiện dần dần.
Tuy nhiên, NHCTVN có nguồn vốn đa dạng từ các hình thức huy động vốn dân cư, các tổ chức tài chính và đi vay. Nhưng cũng như các Ngân hàng thương mại khác ở Việt Nam , phần lớn nguồn vốn từ nguồn tiền gửi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, mạng lưới kinh doanh rộng, cơ chế lãi suất linh hoạt và việc tăng lãi suất huy động tiền VNĐ, cũng như thực hiện đa dạng các hình thức huy động vốn đã góp phần tăng trưởng huy động vốn 14,84% bao gồm tiền gửi khách hàng và phát hành kỳ phiếu, trái phiếu… Tiền gửi của khách hàng và phát hành kỳ phiếu, trái phiếu đạt 68.954 tỷ VNĐ, chiếm tới 76% tài sản của ngân hàng. Tỷ lệ Dư nợ cho vay/ Tiền gửi khách hàng là 99% chứng tỏ ngân hàng tài trợ các khoản chủ yếu qua nguồn vốn huy động từ khách hàng. Khi lãi xuất huy động tiền VNĐ tăng thì lãi suất USĐ cũng tăng và hấp dẫn người gửi tiền, do đó số tiền gửi ngoại tệ của khách hàng đã tăng 7,4% so với 2003.
Chỉ số Tài sản lỏng/Tổng tài sản đạt 25% so với mức 31% của 2003. Tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng nguồn vốn ổn định trong 3 năm 2002, 2003 và 2004 đều xấp xỉ 78%. Với hiện trạng của ngân hàng thì có thể coi là ngân hàng đã duy trì được mức thanh khoản hợp lý.
Các khoản phải thu và khoản phải chi năm 2004 tăng đột biến so với 2003 chủ yếu do số liệu thời điểm cuối năm của lãi cộng dồn dự thu, dự trả và các khoản đầu cơ ngoại tê mua chưa bán và bán chưa mua gây ra.
Thu nhập và chi phí
Năm 2004, thu nhập trước dự phòng đạt 1.662.059 triệu đồng, tăng 43,89% so với năm 2003, mặt khác trích lập dự phòng rủi ro năm 2004 là 1.409.035 triệu đồng, tăng so với năm 2003 là 51,2%, kết quả thu nhập ròng năm 2004 đạt 206.869 triệu VND, gần tương đương năm 2003 là 205.186 triệu đồng, tăng 0,82%.
Trong tổng thu nhập năm 2004, thu nhập ròng từ lãi chiếm 89,6%, thu nhập từ dịch vụ và các hoạt động khác chiếm 10,4%. Thu nhập từ lãi tăng 16,3% so với năm 2003 chủ yếu do tăng thu lãi cho vay chiếm 84,2% trong thu nhập từ lãi . Ngoài ra, thu lãi chứng khoán cũng tăng nhanh trong năm 2004 là 31,1% so với năm 2003 .
Đối với chi trả lãi năm 2004, chi trả lãi tiền gửi, kỳ phiếu và giấy tờ có giá chiếm 83,1%, giảm 5,6% so với năm 2003, do nguồn tiền gửi năm 2004 giảm so với năm 2003 .Thu dịch vụ năm 2004 tăng 8,4% so với 2003, thu phí dịch vụ chiếm 57,3% trong tổng các khoản thu ngoài lãi, mà chủ yếu là dịch vụ thanh toán .
Chỉ số đo hiệu quả hoạt động với chi phí hoạt động và công vụ trên tổng thu nhập năm 2004 là 19,4%, trong đó khoản chi cho CBCNV chiếm 35,4% tổng chi phí quản lý công vụ, tăng 9,8% so với năm 2003 .