»

Thời gian giao dịch phục vụ khách hàng tại các Chi nhánh, PGD của VietinBank - Từ thứ 2 tới thứ 6 (trừ ngày lễ, tết).

Tin tức sự kiện Ngày 11/7/2020 08:00

Tọa đàm trực tuyến Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch

Chiều 10/7/2020, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức Tọa đàm trực tuyến đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch” (Tọa đàm).

Tọa đàm đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống được tổ chức chiều ngày 10/7

Tham dự Tọa đàm có: Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương; ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN); ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực; ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam; ông Phạm Đình Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Đại diện VietinBank tham gia Tọa đàm có ông Lê Duy Hải - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp (KHDN).

Tháng 2/2020, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã nêu ra quan điểm chỉ đạo, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng Quốc gia là nền tảng; đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Buổi Tọa đàm diễn ra với nhiều nội dung trao đổi thẳng thắn giữa các cơ quan thẩm quyền, địa phương và doanh nghiệp, khẳng định Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị có tầm nhìn sáng suốt và chuẩn xác. Chủ trương và mục tiêu của Nghị quyết đã rất rõ, vấn đề đặt ra là công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; trong đó có việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng để triển khai hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Tọa đàm cũng đã nhận được các ý kiến tâm huyết về hoạch định chính sách xây dựng được cơ chế hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, có tâm, có tầm, có vốn và công nghệ tiên tiến nhằm chung tay phát triển hạ tầng năng lượng Quốc gia.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Lê Duy Hải cho rằng: Ngành điện là ngành thiết yếu của nền kinh tế. Dựa trên số liệu tổng sản lượng điện sản xuất và phụ tải theo sơ đồ quy hoạch điện VII thì khả năng thiếu hụt điện năng trong năm 2020 - 2023 trung bình từ 1 tỷ KWh đến 3,5 tỷ KWh/năm.

VietinBank luôn xác định dành nguồn lực ưu tiên để đầu tư cho các dự án có liên quan đến ngành điện. VietinBank luôn áp dụng mức ưu đãi đối với nhóm EVN và các đơn vị liên quan. Trong đó, lãi suất áp dụng với nhóm điện năng lượng tái tạo cũng ở mức ưu đãi so với các dự án trung, dài hạn khác mà VietinBank đang cấp tín dụng. Nguồn vốn đầu tư cho ngành điện tại VietinBank là nguồn vốn huy động thông thường từ nền kinh tế (bao gồm các tổ chức kinh tế và dân cư).

Bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như việc quy hoạch đầu tư nhà máy điện chưa đồng bộ với tiến độ đầu tư hệ thống truyền tải. Hơn nữa, tiến độ được áp dụng các cơ chế, ưu đãi khá sát, gây áp lực cho chủ đầu tư trong quá trình đầu tư. Ngoài ra, các chủ đầu tư và các đơn vị thi công còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng dự án, đặc biệt là các dự án điện gió trên biển...

Ngành điện nói chung được Đảng và Chính phủ có các chính sách khuyến khích và đẩy mạnh phát triển, với sứ mệnh đó, điện luôn phải đi trước một bước. Từ những thực tiễn phát triển của ngành điện, VietinBank cho rằng cần thiết phải kêu gọi nguồn lực của xã hội, bao gồm cả nguồn vốn tư nhân tham gia vào đầu tư các dự án sản xuất; truyền tải điện theo hình thức công tư PPP.

Trong tổng thể sự phát triển liên tục đó của ngành điện, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cũng như trong thời gian tới, năng lượng tái tạo đã nổi lên như một động lực chính trong đầu tư tăng trưởng mạnh của ngành. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích rất cụ thể. Tuy nhiên, khi tiến hành thẩm định, nghiên cứu đầu tư, ngân hàng nhận thấy một số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro như: Sản lượng điện sinh ra từ tấm pin mặt trời, tua bin gió không đạt như kỳ vọng do nguồn dữ liệu; bức xạ mặt trời, tốc độ gió... cũng chưa được như mong muốn. Đồng thời, mạng lưới, hạ tầng đấu nối bao gồm đường dây, trạm biến áp còn chưa đồng bộ dẫn đến nhiều dự án không phát được đầy đủ công suất đầy đủ lên mạng lưới điện Quốc gia.

Tiến độ dự án rất gấp để kịp thời điểm áp dụng giá ưu đãi, như mốc 30/6/2019. Trước đây, để áp dụng mức 9,35 cent/kwh với điện mặt trời hay mốc ngày 1/11/2021 tới đây, đối với điện gió. Nếu dự án vận hành thương mại sau thời điểm này rủi ro rất lớn, khi áp dụng giá ưu đãi và cố định.

Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, VietinBank đã triển khai các giải pháp căn cơ, có chiều sâu như đào tạo đội ngũ nhân sự tại chi nhánh, Trụ sở chính... thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, đi thực tế các dự án của ngành điện. Từ đó, xây dựng các đội ngũ các chuyên gia am hiểu về ngành điện, tài chính, kỹ thuật ngành điện... nhằm lựa chọn doanh nghiệp, dự án tốt để triển khai. Bên cạnh đó, cán bộ VietinBank cũng tích cực tư vấn khách hàng sử dụng các sản phẩm bảo hiểm đặc thù cho ngành năng lượng tái tạo như: Bảo hiểm sản lượng, bảo hiểm trong quá trình thi công - xây dựng... nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Đặc biệt, VietinBank còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, đơn vị ngành điện: Bộ Công thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, EVN...) để nắm bắt kịp thời định hướng, quy hoạch và khả năng lên lưới điện của các dự án... nhằm tối ưu hóa hiệu quả.

Kết thúc Tọa đàm, Ban Tổ chức đánh giá cao về sự kiện này khi đã cung cấp được lượng thông tin lớn tới người dân. Đồng thời, Tọa đàm cũng làm rõ hơn các vấn đề về lợi ích của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 55. Để làm được điều đó rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp với quyết tâm cao nhằm thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết 55 đề ra.

Xuân Nguyên

null - VietinBank
null - VietinBank null - VietinBank